TS. PHẠM THANH HẰNG(*)
(*) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Ngày nhận bài: 05/7/2022 Ngày thẩm định: 05/8/2022 Ngày duyệt đăng: 20/8/2022
Tóm tắt: Bên cạnh yếu tố tác động từ tình hình, đặc điểm của tôn giáo Mỹ, chính sách tôn giáo của nước Mỹ còn có liên quan trực tiếp đến lịch sử vấn đề tôn giáo Mỹ. Bước chuyển từ xung đột tôn giáo đến tự do tôn giáo xuất phát từ những tiền đề sâu xa về mặt lý luận, tư tưởng. Bài viết khái quát cơ sở lý thuyết hình thành chính sách tôn giáo của nước Mỹ thông qua vai trò nổi bật của các nhà tư tưởng phương Tây và những đóng góp trực tiếp của các nhà tư tưởng nước Mỹ.
Từ khóa: chính sách tôn giáo; cơ sở lý thuyết; nước Mỹ
1. Dẫn nhập
Chính sách tôn giáo của Mỹ không phải ngay từ đầu đã ủng hộ tự do tôn giáo, mà phải trải qua quá trình thử nghiệm, tranh luận dựa trên sự kế thừa, phát triển quan điểm của các học thuyết, các dòng trào lưu tư tưởng đương thời.
Vào thế kỷ XVII, nhiều tín đồ Thanh giáo(1) và các hệ phái khác nhau của đạo Tin Lành (Tân giáo) ở châu Âu do không chịu đựng được cuộc đàn áp tôn giáo ở lục địa châu Âu, đã du hành xuyên đại dương đến châu Mỹ để tìm kiếm miền đất hứa của sự tự do tôn giáo và hòa hợp tôn giáo. Họ lần lượt lập nên 13 khu thực dân đầu tiên trên mảnh đất mới này. Mỗi khu vực được hình thành bởi các nhóm người theo những tôn giáo khác nhau. Cụ thể như vịnh Masachusetts, Plymouth, Connecticut và New Hampshire được thiết lập bởi những tín đồ Thanh giáo Anh; Pennsylvania lập ra bởi những tín hữu Quaker; Maryland lập ra bởi những tín hữu Công giáo; North Carolina, South Carolina và Virginia lập ra bởi những tín hữu Anh giáo.
Mặc dù vậy, chính những người ôm trọn nỗi khổ đau của nạn bức hại tôn giáo không dập tắt đi sự áp bức tôn giáo ở đại lục mới, mà họ lại áp dụng lối tư duy cũ và truyền thống chính giáo hợp nhất của nước mẹ châu Âu vào đây. Tự do tôn giáo trong cách lý giải của họ dường như chỉ là tự do của giáo phái họ, chứ không phải quyền tự do tôn giáo phổ quát. Mục đích của họ không phải xây dựng một quốc gia đa tôn giáo, mà là xây dựng một “giáo hội quan phương” chỉ thuộc về giáo phái của họ. Những di dân trốn chạy sự đàn áp tôn giáo vốn mang trong mình một thứ tình cảm độc đoán với tôn giáo của họ. Họ muốn gìn giữ, muốn truyền bá và bảo vệ thứ tôn giáo ấy một cách mãnh liệt. Họ muốn chứng minh sự thành tín, cuồng nhiệt của mình thông qua cuộc đấu tranh cho địa vị độc tôn của tôn giáo mình. Họ muốn cho mọi người thấy rằng tôn giáo của họ là chân chính nhất, là ưu việt nhất, là thuần khiết nhất. Mặc dù căm thù sự bức hại tôn giáo của các giáo phái khác, nhưng đến lượt mình, để giành được sự tự do, họ lại trấn áp các tôn giáo một cách cực đoan. Khi thực hiện trấn áp tôn giáo, họ cũng dữ dội và tàn nhẫn không khác gì những người tiền nhiệm của mình ở châu Âu.
Thực tế này dẫn tới việc trước khi nước Mỹ giành được độc lập, ở mỗi khu vực kiều dân, thuộc địa mới được thiết lập của Mỹ lại thực thi các chính sách tôn giáo rất khác nhau. Một số vùng, như Maryland, Pennsylvania, Rhode Island, thực thi chính sách khoan dung tôn giáo, trong khi đó, hầu hết các thuộc địa đều duy trì giáo hội chính thống địa phương, nhà cầm quyền sẵn sàng tiến hành cưỡng chế dã man đối với các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Tuy nhiên, xuất phát từ những tiền đề lý luận quan trọng của các nhà tư tưởng kiệt xuất phương Tây, chính sách khoan dung tôn giáo và tự do tôn giáo được đặt ra, dần được chứng minh là tất yếu khách quan của sự phát triển và trở thành lựa chọn duy nhất đúng đắn của nước Mỹ đương thời.
2. Vai trò nổi bật của các nhà tư tưởng phương Tây trong việc đặt nền móng lý thuyết hình thành chính sách tôn giáo nước Mỹ
Hệ thống tư tưởng phương Tây, đặc biệt là châu Âu, đã dẫn dắt sự phát triển của lịch sử loài người thời kỳ cận đại. Điều này cũng diễn ra tương tự với Bắc Mỹ (vùng đất ban đầu là thuộc địa của châu Âu). Có thể khẳng định, cách mạng độc lập của Mỹ, hành vi lập hiến, thậm chí là hệ thống tư pháp, cơ cấu chính trị đều có mối quan hệ mật thiết với hệ tư tưởng phương Tây. Ba nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành Hiến pháp Mỹ (trong đó có chính sách tôn giáo) là John Locke, Montesquieu và Thomas Paine.
– John Locke (1632 – 1704) là nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng Anh, người sáng lập chủ nghĩa tự do phương Tây. Ông nổi tiếng với lý thuyết về quyền tự nhiên. Quan điểm này đã có giá trị ảnh hưởng sâu sắc trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ. Đáng chú ý, John Locke có một hệ thống tri thức tôn giáo rộng lớn. Cha của ông là tín đồ Thanh giáo, bản thân ông cũng từng học ở Đại học Oxford với nền tảng của Kitô giáo. Sau này, ông chủ trương ủng hộ khoan dung tôn giáo và tư tưởng của ông có sức ảnh hưởng sâu sắc tới Bắc Mỹ. Dựa trên lý thuyết về quyền tự nhiên, John Locke bàn rất nhiều về vấn đề khoan dung tôn giáo. Năm 1690, ông viết Thư về lòng khoan dung (A Letter Concerning Toleration). Bức thư ra đời trong bối cảnh Công giáo và Tin Lành, các giáo phái của Tin Lành ở nước Anh đang hỗn chiến. John Locke nhấn mạnh rằng, niềm tin và sự cứu rỗi của Thiên Chúa là một vấn đề trong trái tim mỗi người, không thể đạt được nó thông qua các biện pháp cưỡng chế chính trị. Đặc trưng của loại tâm hồn này là lòng thành tín và đức hạnh xuất phát từ nội tâm. Những người cưỡng ép người khác về đức tin thì hoàn toàn không phải xuất phát từ tình thương và tình hữu nghị với người khác, mà chỉ nhằm thỏa mãn ham muốn quyền lực, một điều hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Kitô giáo(2).
Đặc biệt, ông đã đưa ra lập luận để khẳng định mạnh mẽ sự ép buộc của nhà nước trong vấn đề tôn giáo là không hiệu quả. Hơn nữa, thay vì làm mất ổn định chính trị – xã hội, khoan dung và tôn trọng tôn giáo có thể tạo ra chiều hướng ngược lại, các nhóm thiểu số có thể trở thành nguồn lực cho sự ổn định xã hội thay vì sự tan rã, bất ổn xã hội(3). Ông đề xuất năm ý tưởng then chốt trong tác phẩm: 1) Tách biệt các lĩnh vực dân sự và tôn giáo; 2) Quyền lực dân sự không mở rộng đến lĩnh vực tôn giáo; 3) Tôn giáo không có quyền khẳng định quyền lực dân sự; 4) Đa nguyên là nguồn gốc của sự ổn định; 5) Không bắt buộc phải khoan dung sự bất khoan dung(4). Tác phẩm này của John Locke được coi là tài liệu kinh điển trong lịch sử triết học chính trị và cũng là một trong những tài liệu quan trọng cho việc bàn thảo những vấn đề về khoan dung tôn giáo.
– Montesquieu (1689 – 1755) là nhà triết học Khai sáng, nhà tư tưởng chính trị, nhà xã hội học và sử học nổi tiếng của Pháp thế kỷ XVIII. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Montesquieu là Bàn về tinh thần pháp luật. Tác phẩm tập trung thể hiện thái độ căm phẫn của tác giả đối với chính thể chuyên chế và chủ trương xóa bỏ nó bằng một hình thức nhà nước mới để người dân Pháp thoát khỏi sự đàn áp hà khắc của chế độ chuyên chế độc tài. Trong tác phẩm, Montesquieu cũng dành phần lớn không gian để bàn về “mối quan hệ giữa luật pháp với nghi lễ tôn giáo và với bản thân tôn giáo ở các quốc gia”, cũng như “mối quan hệ giữa luật pháp với việc thành lập các tôn giáo và với đối ngoại tôn giáo”. Đây chính là phần luận chứng vĩ mô về mối quan hệ chặt chẽ giữa luật pháp và tôn giáo. Trong quá trình luận chứng, Montesquieu cũng nhấn mạnh mối quan hệ nhất định giữa tôn giáo và thể chế chính trị, như Công giáo phù hợp với chế độ quân chủ, Tin Lành phù hợp với chính phủ cộng hòa…(5). Tất cả những quan điểm này của Montesquieu đã đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc xác lập mối quan hệ giữa nhà nước với giáo hội, giữa tôn giáo với chính trị.
– Thomas Paine (1737 – 1809) là người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, nhà triết học, nhà cách mạng, nhân vật tiêu biểu trong phong trào Khai sáng. Sinh ra tại đế quốc Anh, sống ở Mỹ, nhập cư vào Mỹ trong thời gian nổ ra Cách mạng Hoa Kỳ, ông là người đã ủng hộ tích cực cho cuộc cách mạng giành độc lập của các thuộc địa Mỹ khỏi đế quốc Anh.
Thomas Paine sinh ra trong một gia đình là tín đồ của Kitô giáo, do đó, tôn giáo đã đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển của ông. Chính nền tảng tôn giáo đã cung cấp nguồn hệ thống tri thức tôn giáo vô cùng phong phú trong con người ông; mặt khác, nó cũng tạo cơ sở lập luận để ông phê phán những hành vi chuyên chế của tôn giáo. Thomas Paine vốn thuộc trường phái cấp tiến Anh. Ông chủ trương chính quyền được hình thành từ người dân, do đó phải được vận hành theo nhu cầu và mong muốn của dân. Ông căm ghét uy quyền và coi thường mọi hình thức tôn ti. Tôn giáo và quân chủ luôn là mục tiêu bút chiến của ông, bởi ông thấy ở hai tổ chức một mối tương quan đè nén tự do của con người(6).
Thomas Paine viết nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó đáng chú ý là tác phẩm Quyền con người (Rights of Man) năm 1791. Trong tác phẩm này, Thomas Paine khẳng định: Chúng ta có trong quyền lực của chúng ta để tái tạo lại thế giới. Câu nói của ông đã góp phần tạo hiệu ứng mạnh mẽ thúc đẩy người Mỹ đứng lên phản kháng lại luật lệ áp đặt của người Anh và tạo nguồn cảm hứng cho vô vàn các cuộc cách mạng và phong trào cải cách thời kỳ đó.
- Đóng góp của các nhà tư tưởng nước Mỹ trong việc định hình và phát triển khung lý thuyết hình thành chính sách tôn giáo
Dựa trên những cống hiến lý luận vĩ đại của các nhà tư tưởng phương Tây, chính sách tôn giáo nước Mỹ dần được hình thành thông qua vai trò trực tiếp của Roger Williams và những người được mệnh danh là cha đẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Hiến pháp Hoa Kỳ là James Madison và Thomas Jefferson.
Những người bảo thủ nhất trong vấn đề tôn giáo ở Mỹ là George Washington và John Adams. Họ cho rằng, chế độ giáo hội tôn giáo quan phương sẽ trở thành nền tảng đạo đức cho sự ra đời của Nhà nước mới – Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và họ bắt đầu truyền bá học thuyết Kitô giáo ở nhiều nơi công cộng trên đất Mỹ. George Washington thậm chí còn yêu cầu quân đội Mỹ sẽ phải tuyên thệ trước Chúa. Mặc dù có thể đưa ra không ít những lập luận phản đối sự bức hại tôn giáo, nhưng họ vẫn muốn dựa vào tôn giáo để duy trì sự ổn định của xã hội.
Tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể, hầu hết những cha đẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều ủng hộ tự do tôn giáo. Quan điểm cơ bản của họ đều dựa trên lý thuyết quyền tự nhiên và chủ nghĩa tự do phương Tây được nhấn mạnh từ John Locke, Montesquieu, Thomas Paine cho đến Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Họ đều nhìn nhận Thiên Chúa đã ban cho con người một bản ngã không thể chuyển nhượng, trong đó bao gồm cả tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Họ càng nhấn mạnh vào chế độ dân chủ, e ngại rằng giáo hội quan phương sẽ làm suy yếu nền chính trị dân chủ; đồng thời, họ nhấn mạnh tăng cường tự do tôn giáo, sợ rằng sự can thiệp của chính trị sẽ làm suy yếu niềm tin tôn giáo của mọi người. Chính vì vậy, đa số họ đều đồng ý rằng, chính trị và tôn giáo phải tách biệt, tự do tôn giáo phải được bảo vệ.
Liên quan đến mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước, cũng như sự minh định về bản chất của quyền lực nhà nước ở Mỹ, trước khi dẫn tới những tiền đề cơ sở cho đóng góp nổi bật của James Madison và Thomas Jefferson, cần phải nhắc đến tên tuổi của Roger Williams (1603 – 1683), là mục sư Thanh giáo di cư từ vương quốc Anh sang Bắc Mỹ, đã đề ra nguyên tắc “tách giáo hội ra khỏi nhà nước” vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay. Roger Williams trở thành một trong những lãnh đạo tôn giáo quan trọng của Mỹ.
Câu chuyện của nước Mỹ bắt đầu từ khi John Winthdrop dẫn theo một nhóm chiến hữu Thanh giáo di dân đến vịnh Massachusetts năm 1630. Nhóm người Thanh giáo này muốn cải tổ Anh giáo, thay đổi nghi lễ và cơ cấu tổ chức của Giáo hội La Mã bằng hình thức đơn giản hơn, đồng thời phá bỏ sự chuyên chế của nhà vua, cũng như tính thống nhất của nhà nước và nhà thờ. Trong khi chủ trương nghi lễ tôn giáo đơn giản và niềm giao cảm riêng tư với Thiên Chúa, những nhà truyền đạo Thanh giáo đã bị ép buộc phải mặc áo lễ thụng, sử dụng sách cầu nguyện chung; hình phạt cho mọi sự phản kháng là nhà tù(7). Rời khỏi nước Anh, họ muốn xây dựng một trật tự thế giới mới, nơi họ có thể sống với đức tin của chính mình, được tự do hành đạo và trở thành mô hình để cả thế giới ngưỡng vọng. Họ đã mang tới Massachusetts hiến chương của riêng họ, trong đó quy định quyền lực thuộc về Tòa án tối cao và thành viên của họ là những công dân tự do.
Dẫu vậy, không phải ai cũng tuân thuận giáo lý khắt khe của Thanh giáo. Roger Williams là người đầu tiên sẵn sàng thách thức với Tòa án tối cao (lúc đó ông là một vị mục sư trẻ tuổi). Ông công khai bày tỏ sự phản đối đối với việc thuộc địa chiếm đất của người da đỏ và ủng hộ việc tách biệt nhà thờ với nhà nước. Kết quả là Roger Williams đã bị trục xuất khỏi vịnh Massachusetts. Năm 1636, Williams đã mua đất của người da đỏ (ở bang Rhode Island ngày nay). Tại đây, ông xây dựng Rhode Island thành thuộc địa riêng (một khu định cư mới dành cho những ai đang tìm kiếm tự do lương tâm) và thực thi chính sách khoan dung tôn giáo, hoàn toàn tách biệt nhà thờ ra khỏi nhà nước, tách biệt giáo hội ra khỏi các vấn đề dân sự(8).
Năm 1644, Roger Williams công bố tác phẩm Bức tường phân tách giữa khu vườn của Giáo hội và sự hoang dã của thế giới (thế tục). Quan điểm của Roger Williams đặc biệt nhấn mạnh sự tách biệt giáo hội ra khỏi nhà nước nhằm bảo vệ tính thuần khiết của giáo hội. Nói cách khác, tách giáo hội ra khỏi nhà nước để bảo vệ “khu vườn” giáo hội khỏi “sự hoang dã” của trật tự thế tục. Tư tưởng trên của Roger Williams đã trở thành cơ sở lý luận cho chính sách tôn giáo của Mỹ. Đến năm 1655, ông tiếp tục đưa ra quan điểm về nhà nước và giáo hội ở một đoạn văn nổi tiếng trong Bức thư gửi thành phố của Chúa Quan phòng (Providence). Sau này, tại Providence, Roger Williams đã xây dựng nhà thờ Tin Lành (hệ phái Baptist) đầu tiên ở Mỹ và biên soạn từ điển tiếng Mỹ bản địa đầu tiên.
Sau những nỗ lực của Roger Williams, James Madison và Thomas Jefferson đã tạo những bước đột phá đầu tiên trên phương diện pháp lý nhằm bảo đảm chính sách tự do tôn giáo và chính giáo phân ly. Trải qua quá trình bền bỉ đầy khó khăn, những điều khoản về tự do tôn giáo ở bang Virginia đã chính thức được thiết lập, đánh dấu thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân Bắc Mỹ, cũng như những cống hiến vĩ đại của các vị cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó trực tiếp nhất là James Madison và Thomas Jefferson. Ở đây muốn nhắc tới “Luật Virginia về tự do tôn giáo” được nghị viện bang Virginia thông qua năm 1786. Bộ luật yêu cầu xóa bỏ quốc giáo, xóa bỏ giáo hội quan phương, phản đối áp bức tôn giáo, nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Đáng chú ý, Thomas Jefferson đã chọn Bộ luật này với tư cách là một trong ba thành tựu được khắc ghi trên bia mộ của mình, ngay cả vai trò Tổng thống Hoa Kỳ trước đây của ông cũng không được nhắc đến, nhưng Bộ luật này được chọn để xếp ngang hàng với Tuyên ngôn độc lập và việc thành lập trường Đại học Virginia(9). Bộ luật trở thành một văn kiện lịch sử quan trọng của nước Mỹ, tác động lớn đến nội dung điều khoản về tôn giáo trong Bản sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất của nước Mỹ sau này(10).
James Madison là người có nhiều hành động quyết liệt nhằm thiết lập luật pháp tôn giáo, bảo đảm thực hiện chính sách tự do tôn giáo và tách biệt giáo hội với nhà nước. Năm 1776, trong bản thảo Tuyên ngôn về quyền của Virginia, ông viết: “Tôn giáo, hay nói đúng hơn là trách nhiệm của chúng ta đối với Đấng Sáng Thế và các hình thức truyền bá nó, chỉ có thể được dẫn dắt thông qua lý trí và sự thuyết phục, mà không thể dựa trên sự ép buộc hay bạo lực; do đó, trong hoạt động tôn giáo, bất cứ ai cũng cần dựa trên sự chỉ đạo của lương tâm và lòng khoan dung, chứ không thể bị trừng phạt hay hạn chế bởi người cai trị, trừ khi có người muốn phá vỡ sự hòa bình, hạnh phúc và ổn định của xã hội dưới vỏ bọc của tôn giáo. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người nhằm thực hành sự kiên nhẫn, tình yêu và lòng tốt của Kitô hữu”(11). Bản thảo này của James Madison đã nhận được sự đồng tình rộng rãi và trở thành căn cứ chủ yếu cho Tuyên ngôn độc lập tuyên bố sau này.
Ngoài ra, đóng góp của James Madison còn thể hiện ở những luận cứ mà ông đã đưa ra nhằm phản đối việc nhà nước nâng đỡ trực tiếp một tôn giáo hoặc thiết lập quốc giáo. Theo ông, những nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra sự thống nhất về tôn giáo cùng với đó là việc hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vi phạm quyền tự do cơ bản của mỗi người. Ông nhấn mạnh, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng phải được thực thi trong môi trường trong đó chính phủ bảo vệ tự do tín ngưỡng của mỗi cá nhân nhưng không được ủng hộ định chế tôn giáo.
Cùng với James Madison, Thomas Jefferson là nhà tư tưởng hoạt động tích cực thời kỳ cả trong và sau chiến tranh giành độc lập nước Mỹ. Ông là Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và là nhà triết học chính trị có sức ảnh hưởng lớn, một trong những người theo chủ nghĩa tự do nhiệt thành nhất thời cận đại. Năm 1779, Thomas Jefferson đã đề xuất dự luật nổi tiếng về việc thiết lập tự do tôn giáo trong Quốc hội Virginia, thúc đẩy đưa vấn đề tự do tôn giáo vào luật pháp cụ thể.
Thomas Jefferson tin rằng, những nhà lập pháp và cai trị, dù là thế tục hay thần quyền, nếu áp đặt niềm tin cho người khác, cho rằng ý kiến và cách tư duy của họ là tiêu chuẩn duy nhất đúng thì thực sự không phải là sùng đạo, họ đã thiết lập một thứ tôn giáo giả tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, những nhà lập pháp và cai trị đó có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới và cũng tồn tại trong phần lớn các thời kỳ lịch sử. Buộc người khác đóng góp tiền bạc cho nhà thờ mà anh ta không tin là tội lỗi, buộc người khác phải ủng hộ cho một tôn giáo nào đó là đang tước đoạt tự do tôn giáo vốn có của người đó. Ở điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa, Jefferson đang chỉ trích Giáo hội Anh giáo ở Virginia cùng cách thức truyền đạo và thu thuế của giáo hội.
Từ những lập luận trên, Thomas Jefferson đã tạo cơ sở lý thuyết để tiến hành xây dựng Bộ luật Tự do tôn giáo (The Statue for Religious Freedom) vào năm 1777, đệ trình lên nghị viện bang năm 1779, song chưa được thông qua. Đến năm 1786, Bộ luật Tự do tôn giáo đã được nghị viện bang Virginia chính thức thông qua, nhờ đó bảo đảm sự tự do tâm trí và sự phân tách giữa nhà thờ với nhà nước. Bộ luật ra đời đã góp phần xóa bỏ đặc quyền của nhà thờ Anh giáo, giới tu sĩ không còn được hưởng lương bổng từ chính quyền và người dân ở Virginia không còn phải nộp thuế để yểm trợ nhà thờ(12).
Điều đáng lưu tâm trong quan điểm của Thomas Jefferson là việc ông đề ra tư tưởng “Tách tôn giáo khỏi nhà nước để bảo vệ nhà nước”. Trên cơ sở kế thừa quan điểm của các thế hệ tiền bối, đặc biệt là John Locke và Roger Williams, ông đã đưa ra lý luận sắc bén nhằm xây dựng mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội. Đồng ý với quan điểm của Roger Williams về việc tách nhà nước khỏi giáo hội, nhưng Thomas Jefferson dựa vào kinh nghiệm của Pháp, cho rằng, cần tách biệt nhà nước với giáo hội nhằm bảo vệ nhà nước, ngăn chặn sự ảnh hưởng quá mức của tôn giáo đến quyền lực của nhà nước.
Như vậy, việc xây dựng chính sách tôn giáo của nước Mỹ về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo đã dựa trên hai nền tảng tư tưởng chủ đạo là tách nhà nước khỏi giáo hội để bảo vệ tôn giáo (Roger Williams chủ trương) và tách nhà nước khỏi tôn giáo để bảo vệ nhà nước (Thomas Jefferson chủ trương). Những ý tưởng của Williams và Jefferson vô cùng phong phú, đại diện cho hai thái cực trong tư tưởng Mỹ. Đây là hai chân đế lý luận đặc biệt quan trọng cho sự ra đời chính sách tôn giáo Mỹ về xây dựng những nguyên lý thế tục với thuyết “Bức tường phân tách” (Wall of separation) nổi tiếng của Mỹ.
- Kết luận
Sự hình thành chính sách tôn giáo của nước Mỹ là một diễn tiến lịch sử lâu dài, xuất phát từ những tiền đề lý luận hết sức quan trọng. Đó là sự kế thừa học thuyết của các nhà tư tưởng phương Tây, nh ư John Locke, Montesquieu, Thomas Paine, nhất là sự phát triển lý luận và vai trò trực tiếp của các nhà tư tưởng nước Mỹ, như Roger Williams, James Madison và Thomas Jefferson. Nền tảng tư tưởng lý luận của các ông về mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội tạo chân đế hết sức vững chắc cho mô hình nhà nước thế tục của Mỹ sau này. Đó là sự đóng góp tiêu biểu của Mỹ trong giải quyết vấn đề tôn giáo, phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của lịch sử xã hội nước Mỹ và xu thế chung của thời đại. Học giả nổi tiếng người Mỹ Sanford Cobb đã từng đánh giá cao mô hình nhà nước thế tục của Mỹ là “sáng tạo đầu tiên của nước Mỹ”, khác biệt hoàn toàn với truyền thống châu Âu, có ý nghĩa vạch thời đại, là “lễ vật vĩ đại nhất nước Mỹ hiến tặng cho thế giới văn minh”. Trên thực tế, đây cũng là mô hình có giá trị tham khảo hữu ích cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo ở Việt Nam, được xây dựng dựa trên hai chân đế căn bản của chủ nghĩa thế tục: thực hiện tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo cùng với thể chế hóa các quyền tự do đó trong hệ thống pháp luật của nhà nước và thực hiện nguyên lý phân tách quyền lực nhà nước với các tổ chức tôn giáo trên cả phương diện pháp lý, cũng như thực tiễn nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hộiq
———————————————–
(1) Thanh giáo chỉ các tín hữu Cơ Đốc của một số giáo hội Kháng Cách theo khuynh hướng Thanh giáo ở Anh vào thế kỷ XVI và XVII. Họ là những người từ chối cuộc cải cách tôn giáo của Giáo hội Kitô giáo Anh, những người chủ trương tách rời khỏi quốc giáo được xác lập theo định chế tôn giáo thời Elizabeth
(2) 吴飞, 从宗教冲突到宗教自由 美国宗教自由政策的诞生过程,《北京大学学报(哲学社会科学版), 2006, 第5期, 第 7 页 (Ngô Phi, Từ xung đột tôn giáo đến tự do tôn giáo – Quá trình ra đời của chính sách tự do tôn giáo Mỹ, Tạp chí Đại học Bắc Kinh (Triết học và Khoa học xã hội), số 5, 2006, tr.7)
(3), (4) và (9) Xem: W.Colen Durham, JR. – Brett G. Scharffs, Luật pháp và tôn giáo – Tiếp cận so sánh quốc gia, quốc tế, Người dịch: Đặng Hoàng Nam, Phạm Quốc Thành, Phan Tường Vân, Phan Hương Giang, Hồ Hoàng Thái, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.46, 47-51 và 57
(5) 孟德吴(大学) 过程, 程: 吴飞, 从宗教 2012 (Montesquieu, Luận bàn về tinh thần của pháp luật (quyển hạ), Từ Minh Long dịch, Nxb Thương mại dịch vụ, Bắc Kinh, 2012)
(6) Thomas Paine – người suy tư Khai sáng cấp tiến và 2 tác phẩm Khai sáng, https://www.chungta.com
(7) John M. Barry, Thiên Chúa, Chính phủ và Ý tưởng lớn của Roger Williams, Hoàng Lan dịch, https://nghiencuulichsu.com
(8) Xem: Nước Mỹ Thời Lập Quốc, https://usis.us
(10) Xem: Lưu Bành, Tôn giáo Mỹ đương đại, Trần Nghĩa Phương dịch, Nxb Tôn giáo – Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, tr.388 – 389
(11) Dẫn theo: 吴飞,从宗教冲突到宗教自由 – 美国宗教自由政策的诞生过程,《北京大学学报(哲学社会科学版), 2006, 第5期, 第 10-11 页 (Ngô Phi, Từ xung đột tôn giáo đến tự do tôn giáo – Quá trình ra đời của chính sách tự do tôn giáo Mỹ, Tạp chí Đại học Bắc Kinh (Triết học và Khoa học xã hội), 2006, số 5, tr.10 – 11
(12) Xem: Thomas Jefferson, Tác giả Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, http://nghiencuuquocte.org
Tạp chí Khoa học Chính trị Số 06/2022